Lễ khởi công Tổ hợp hóa dầu miền Nam (LSP) vào sáng ngày 24/2/2018 tại xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, đại diện PetroVietnam (PVN) và Tập đoàn SCG – chủ đầu tư chính của Dự án.
Đây là dự án nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) do Công ty TNHH Lọc hóa dầu Long Sơn (liên doanh giữa Tập đoàn SCG của Thái Lan và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam – PVN) đầu tư trên diện tích khoảng 464ha và 194ha mặt nước cho cảng biển với tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 3,77 tỷ USD nhưng nay đã tăng lên 5,4 tỷ USD.
Đây cũng là tổ hợp hóa dầu được tích hợp hoàn chỉnh đầu tiên tại Việt Nam với công suất sản phẩm olefin khoảng 1,6 triệu tấn/năm và các nguyên liệu khác như polyetylen, ploypropylen, công suất hơn 2 triệu tấn/năm; hướng tới thay thế các sản phẩm polyolefins hiện đang phải nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, dự án sẽ tạo ra sức lan tỏa lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, các ngành công nghiệp hạ nguồn như ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì và các ngành dịch vụ khác của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20.000 lao động trong quá trình xây dựng, đóng góp ngân sách hàng năm khoảng 60 triệu USD và thu hút, đào tạo, sử dụng hơn 1.000 lao động có kỹ thuật cao.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn SCG cho biết Tổ hợp hóa dầu miền Nam là dự án trọng điểm trong chiến lược mở rộng ra khu vực Asean của Tập đoàn trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chiến lược; tin rằng dự án sẽ khuyến khích đầu tư dài hạn vào những ngành công nghiệp có liên quan trong chuỗi giá trị cũng như nâng cao tiêu chuẩn cạnh tranh cùa sản phẩm, nhờ vậy giảm thiểu nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm hoá dầu.
Các nhà đầu tư ban đầu trong dự án này là SCG và hai công ty nhà nước Việt Nam gồm PetroVietnam và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), trong đó Tập đoàn Thái Lan là nhà đầu tư lớn nhất.
Năm 2008, Tập đoàn SCG cùng PVN và Tập đoàn Qatar Petroleum International khởi công dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn. Tuy nhiên, do giá dầu toàn cầu suy giảm mạnh vào thời điểm 2014 khiến Tập đoàn Qatar Petroleum International (QPI) rút khỏi dự án.
Sau đó, vào cuối tháng 3/2017, SCG đã mua lại toàn bộ phần vốn góp của QPI, nâng tổng số cổ phần SCG sở hữu tại dự án từ 46% lên 71%.
Trong khi đó, vào năm 2014, Vinachem cũng rời khỏi dự án và chuyển 11% cổ phần cho PVN. Theo đó, hiện nay PVN sở hữu 29% cổ phần.
SCG đầu tư vào Việt Nam từ năm 1992 với nhiều lĩnh vực như xi măng, vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Hiện tập đoàn này có 23 công ty con đang hoạt động tại Việt Nam với khoảng 8.300 nhân viên.
Một trong những thương vụ đình đám tại Việt Nam là mua lại Nhà máy xi măng Bửu Long tại Đồng Nai và mua 85% cổ phần của Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá gần 5.000 tỷ USD cuối năm 2012.